Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng - Tổng quan về đội bóng xứ Quảng

Ngày đăng: 23/07/2024

Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng là đội bóng đá chuyên nghiệp có truyền thống lâu đời và là một trong những đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam với nhiều danh hiệu khác nhau tại giải quốc nội. Họ vừa dành được tấm vé lên chơi tại V-League mùa giải 2025 sau khi lên ngôi vô địch tại giải hạng nhất quốc gia.|
 


Các cầu thủ SHB Đà Nẵng trước khi ra sân

1. Lịch sử hình thành

Câu lạc bộ bóng đá SHB Đà Nẵng ra đời năm 1976 với tên gọi Công nhân Quảng Nam Đà Nẵng, sau đó đội đổi tên thành đội bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến năm 1997, đội hợp nhất với câu lạc bộ cấp nước Đà Nẵng và lấy tên chung là câu lạc bộ Đà Nẵng. Mùa giải 2008, sau khi sở thể dục thể thao Đà Nẵng chuyển giao cho ngân hàng SHB, đội bóng đổi tên thành câu lạc bộ bóng đá SHB Đà Nẵng từ đó cho tới nay.

2. Quá trình phát triển của đội bóng từng thời kỳ

SHB Đà Nẵng từng là một đội bóng mạnh hàng đầu Việt Nam với những thành tích, danh hiệu hết sức tự hào. Trải qua 48 năm thành lập và phát triển đội bóng có những lúc đứng trên đỉnh cao của bóng đá nước nhà và có những thời điểm đội bóng rơi vào thời kỳ đen tối, khủng hoảng. Nhưng với sự quyết tâm và ý chí kiên cường, đội bóng Sông Hàn đang từng bước trở lại với ánh đèn huy hoàng mà họ từng có.

2.1 Giai đoạn đầu (1976-1986)

Dù chỉ là đội bóng non trẻ chỉ mới thành lập chưa lâu nhưng câu lạc bộ Đà Nẵng đã để lại tiếng vang lớn khi dành chức vô địch Cup Trường Sơn ngay từ lần đầu tiên giải đấu được tổ chức năm 1976. Có bước đầu thành công nhưng những năm sau đó Đà Nẵng rơi vào giai đoạn thoái trào do thiếu hụt lực lượng.

Mãi cho tới năm 1986 câu lạc bộ mới được tái thiết. Đội có thành phần chủ chốt là các cựu binh trước đó và đôn những lứa cầu thủ năng khiếu đầu tiên của tỉnh do ông Lê Đình Chính đào tạo, câu lạc bộ cũng chiêu mộ thêm nhiều cầu thủ mới như Phan Thanh Hùng, Lê Văn Sinh,... Ngay mùa giải đó đội bóng đã vô địch hạng A2 và chính thức lần đầu góp mặt tại giải vô địch quốc gia.

Mùa giải 1987, Đà Nẵng thi đấu xuất sắc tại giải vô địch quốc gia khi lần lượt đánh bại các đối thủ mạnh, băng băng tiến tới trận chung kết nhưng lại để thua câu lạc bộ Quân đội với tỉ số tối thiểu 1-0. Thành tích Á quân tại mùa giải năm đó với một lứa cầu thủ trẻ tài năng giúp bóng đá Đà Nẵng mở ra một thế hệ vàng trong những năm tiếp theo.

2.2 Thế hệ vàng bóng đá Đà Nẵng (1988-1994)

Mùa giải 1988 và 1989 câu lạc bộ Đà Nẵng thi đấu không thành công khi bị loại sớm tại giải vô địch quốc gia nhưng với lứa cầu thủ non trẻ và đầy triển vọng, ban lãnh đạo đội bóng vẫn đặt trọn niềm tin vào các cầu thủ trong tương lai.

Mùa giải 1990, các cầu thủ trẻ trong đội hình nay đã bước tới độ chín của sự nghiệp khi đưa câu lạc bộ Đà Nẵng vào chung kết giải vô địch quốc gia gặp lại câu lạc bộ Quân đội, Đà Nẵng có cơ hội để trả món nợ với đội bóng đã đánh bại họ cách đây ba năm nhưng một lần nữa đội bóng Sông Hàn lại gục ngã trước câu lạc bộ Quân đội đang là thế lực tại Việt Nam thời điểm đó.

Quyết tâm đổi màu huy chương sau 2 lần về nhì, Đà Nẵng bước vào mùa giải 1991 với tinh thần quyết tâm của cả đội, họ thi đấu mạnh mẽ với phong độ ổn định của từng cầu thủ giúp Đà Nẵng có lần thứ ba lọt vào trận chung kết quốc gia. Đối thủ lần này của họ không còn là câu lạc bộ Quân đội mà là câu lạc bộ Hải quan nhưng Đà Nẵng vẫn không thể đổi màu huy chương khi tiếp tục thất bại trước câu lạc bộ Hải quan và ngậm ngùi nhận giải Á quân 2 năm liên tiếp. Đó cũng là trận chung kết cuối cùng của thế hệ vàng Đà Nẵng.

Những mùa giải tiếp theo câu lạc bộ Đà Nẵng sa sút phong độ rõ rệt khi liên tục đứng phía dưới bảng xếp hạng và phải đá vòng chung kết để trụ hạng. Đỉnh điểm là mùa giải 1995, Đà Nẵng chỉ thắng 3 trận và thua 9 trận sau 12 trận đấu để rồi nhận hệ quả là tấm vé xuống hạng ở mùa giải đó. Việc đội bóng xuống hạng tại giải hạng nhì cũng là dấu chấm hết với thế hệ vàng của Đà Nẵng khi các cầu thủ lần lượt ra đi tìm cơ hội mới cho mình. 

2.3 Từ vực sâu đến đỉnh vinh quang (1997-2017)

Từ năm 1997 đến 2017 được coi là giai đoạn thành công nhất của đội bóng khi đa số những danh hiệu mà câu lạc bộ đạt được đều ở trong khoảng thời gian này.

Năm 1997 câu lạc bộ hợp nhất với đội cấp nước Đà Nẵng lấy tên gọi là câu lạc bộ Đà Nẵng

tiếp tục chơi ở giải hạng nhì. Mùa giải đó Đà Nẵng đã lọt tới vòng bán kết trước khi để thua câu lạc bộ Bình Định 0-2 và tiếp tục thi đấu ở giải hạng nhì mùa tới

Năm 1998, Đà Nẵng tiếp tục lọt vào tới trận bán kết gặp Thừa Thiên Huế và lần này chiến thắng đã thuộc về câu lạc bộ Đà Nẵng với chiến thắng 1-0 qua đó dành quyền lên chơi tại giải hạng nhất quốc gia.

Mùa giải 1999-2000, Đà Nẵng trở lại giải hạng nhất nhưng thi đấu không ấn tượng và chỉ xếp ở vị trí 11 trong tổng số 14 tham dự ở mùa giải năm đó.

Tiếp đến mùa giải 2000-2001, câu lạc bộ Đà Nẵng thi đấu ấn tượng với chủ công Hà Xá, Đà Nẵng và Bình Định đã tạo nên cuộc đua song mã hấp dẫn đến giây phút cuối cùng khi hai đội đều có 44 điểm nhưng Bình Định đã lên ngôi vô địch nhờ hơn về số bàn thắng, bàn thua. Dù về nhì nhưng Đà Nẵng vẫn có tấm vé lên chơi tại đấu lớn nhất tại Việt Nam.

Mùa giải 2002 là mùa giải đầu tiên Đà Nẵng trở lại sân chơi cao nhất Việt Nam sau 7 năm vắng bóng. Dù là mùa giải đầu tiên nhưng Đã Nẵng chơi khá tốt khi xếp ở vị trí thứ 6 chung cuộc với 24 điểm.

Mùa giải 2003, câu lạc bộ Đà Nẵng không có được phong độ và sự ổn định như mùa trước nên chỉ xếp ở vị trí thứ 10 trên tổng số 12 đội tham dự, Đà Nẵng thoát khỏi nhóm xuống hạng khi chỉ xếp trên đúng 2 đội xuống hạng ở mùa giải năm đó là Cảng Sài Gòn và Hà Nội ACB

Mùa giải 2004 không có gì khác biệt khi Đà Nẵng vẫn nằm ở top dưới bảng xếp hạng và chỉ cạnh tranh cho vị trí trụ hạng. Đà Nẵng chỉ hơn nhóm cầm đèn đỏ 4 điểm khi kết thúc mùa giải 2004.

Sau ba mùa giải với thành tích khác lẹt đẹt thì tới mùa giải 2005, câu lạc bộ Đà Nẵng cho người theo dõi một bất ngờ với một bộ mặt hoàn toàn khác của họ. SHB Đà Nẵng thi đấu khởi sắc với chủ công Amaobi Wuru với 10 lần nổ súng và kết quả là mùa bóng đó họ xuất sắc dành giải Á quân qua đó có tấm vé chơi ở AFC Champions League mùa giải 2006.

Sau một mùa giải 2005 thành công, đến mùa giải 2006 Đà Nẵng đã mất phong độ và tụt sâu về nửa dưới bảng xếp hạng, chung cuộc họ xếp ở vị trí thứ 7. Còn ở đấu trường AFC Champions League, lần đầu được thi đấu một giải tầm cỡ châu lục nên Đà Nẵng chỉ lấy mục tiêu đi cọ sát. Kết quả họ thua cả 6 trận vòng bảng và không dành được điểm nào.

Gạt đi mùa giải 2006 thất bại, mùa giải 2007 Đà Nẵng quyết tâm cao cải thiện thành tích và thành quả của họ là vị trí thứ 5 chung cuộc, tiền đạo Almeida của đội xuất sắc dành giải vua phá lưới với 16 lần “phá lưới” đối thủ.

Mùa giải 2008, SHB Đà Nẵng sa thải HLV Phan Thanh Hùng sau thành tích bết bát đầu mùa giải khi đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng, họ đưa ông Lê Huỳnh Đức lên nắm quyền chỉ đạo. Kể từ khi Lê Huỳnh Đức lên nắm quyền chỉ đạo, ông giúp câu lạc bộ Đà Nẵng thay đổi nhanh chóng và bay cao trên bảng xếp hạng V-League năm đó khi cán đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc cùng với phong độ cao của vua phá lưới mùa giải trước Almeida. Tiền đạo này thậm chí còn làm tốt hơn mùa giải trước với 23 pha lập công cho SHB Đà Nẵng qua đó nhận danh hiệu vua phá lưới 2 năm liên tiếp.

Tiếp nối 2 mùa giải thành công trước đó, mùa giải 2009 Đà Nẵng đã tạo ra một mùa giải bùng nổ khi đánh bại hầu hết các “ông lớn” của Việt Nam mùa giải đó và hiên ngang lên chức vô địch với 50 điểm cách đội xếp thứ 2 tới 7 điểm. Đà Nẵng mùa giải đó được ghi nhận là câu lạc bộ có số trận thắng nhiều nhất với 15 trận và cũng là câu lạc bộ có chuỗi trận bất bại dài nhất lên tới 13 trận. Đội bóng cũng dành hầu hết tất cả danh hiệu cá nhân mùa giải đó với Gaston Merlo và HLV Lê Huỳnh Đức lần lượt với những giải thưởng vua phá lưới và huấn luyện viên xuất sắc nhất giải. Không những thế Đà Nẵng còn vô địch Cup quốc gia cùng mùa giải đó khi đánh bại câu lạc bộ Thể Công (Viettel bây giờ) với tỉ số tối thiểu 1-0 qua đó đạt cú đúp danh hiệu quốc nội mùa giải 2009.


Chức vô địch V-League 2009 của SHB Đà Nẵng

Mùa giải 2010 Đà Nẵng có nửa đầu mùa giải khá tốt, có những thời điểm họ đứng đầu bảng xếp hạng nhưng với sự sa sút về phong độ và những lần sảy chân ở nửa cuối mùa giải Đà Nẵng chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 6. Riêng tiền đạo Gaston Merlo vẫn giữ được phong độ ổn định khi anh tiếp tục mang về cho mình danh hiệu vua phá lưới với 19 bàn thắng nhưng từng đó là không đủ để kéo vớt thành tích của câu lạc bộ Đà Nẵng trên bảng xếp hạng.

Mùa giải 2011 khá giống với mùa giải 2010 khi Đà Nẵng tiếp tục có phong độ ổn định ở nửa đầu mùa giải nhưng khác biệt với mùa giải trước là nửa sau mùa giải Đà Nẵng vẫn giữ được phong độ như đầu mùa và kết thúc với vị trí thứ 3 ở mùa giải đó. Tiền đạo Gaston Merlo tiếp tục dành danh hiệu vua phá lưới với 22 bàn thắng, anh cũng đi vào lịch sử giải đấu với 3 năm liên tiếp đạt giải vua phá lưới V-League.

Mùa giải 2012 là một mùa giải thành công của câu lạc bộ Đà Nẵng khi họ có cú đúp danh hiệu giải quốc nội là V-League và Siêu Cup quốc gia. Đặc biệt chức vô địch V-League của họ năm đó chỉ được xác định ở vòng đấu cuối cùng. Trước khi diễn ra vòng đấu cuối cùng, SHB Đà Nẵng đang đứng ở vị trí thứ 3, xếp sau hai đội Hà Nội T&T và Sài Gòn Xuân Thành. Cả Hà Nội T&T và Sài Gòn Xuân Thành đều sảy chân ở vòng đấu cuối cùng, Đà Nẵng nắm được cơ hội và dành trọn 3 điểm cuối cùng ở mùa giải năm đó và lên ngôi vô địch đầy cảm xúc. Lê Minh Phương và HLV Lê Huỳnh Đức cũng có cho mình danh hiệu cầu thủ và huấn luyện viên xuất sắc nhất giải. Cầu thủ Huỳnh Quốc Anh năm đó đạt danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam 2012 sau một mùa giải thành công với câu lạc bộ Đà Nẵng.

 

Hai mùa giải tiếp theo 2013 và 2014, SHB Đà Nẵng vẫn giữ được phong độ ổn định và đứng ở những vị trí cao trên bảng xếp hạng V-League khi đạt giải Á quân mùa giải 2013 và kết thúc mùa giải 2014 với vị trí thứ 4.

Năm 2015 là một năm đen tối với bóng đá Đà Nẵng. Chủ tịch danh dự của câu lạc bộ, ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời để lại mất mát lớn cho ban lãnh đạo và các thành viên của câu lạc bộ. Mùa giải đó Đà Nẵng cán đích ở vị trí thứ 9, Vị trí huấn luyện viên trưởng của ông Lê Huỳnh Đức lung lay dữ dội.

Đập tan mọi lời chỉ trích, mùa giải 2016 Đà Nẵng trở lại mạnh mẽ sau một năm đầy biến cố, họ đưa về những quân bài chất lượng như Thanh Hải, Lê Hoàng Thiên,.. Và đặc biệt là họ mời lại huyền thoại của câu lạc bộ Gaston Merlo sau một năm chia tay với đội bóng. Với sự thay máu đội hình bằng một dàn cầu thủ chất lượng, Đà Nẵng mùa giải đó đã cán đích ở vị trí thứ 3 chỉ kém đội đầu bảng là Hà Nội T&T 1 điểm, tiền đạo Gaston Merlo tiếp tục đi vào lịch sử với danh hiệu vua phá lưới lần thứ 4 với 24 bàn thắng (cầu thủ có nhiều danh hiệu vua phá lưới nhất V-League), anh cũng dành luôn giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải năm đó. HLV Lê Huỳnh Đức cũng đập tan mọi nghi ngờ về ông trước khi mùa giải bắt đầu.

Mùa giải 2017, SHB Đà Nẵng thi đấu thất bại và xếp ở vị trí thứ 9, nửa cuối trên bảng xếp hạng. Kết thúc mùa giải đó HLV Lê Huỳnh Đức nói lời chia tay với đội bóng, chính thức khép lại thời kỳ hoàng kim của SHB Đà Nẵng.

2.4 Giai đoạn đi xuống của bóng đá Đà Nẵng (2018-2023)

Năm 2018 là một giai đoạn khó khăn về kinh tế của đội bóng. Đà Nẵng mùa giải đó xếp ở vị trí thứ 9, đội bóng có kết quả tốt khi thi đấu trên sân nhà nhưng khi đá sân khách đội chủ yếu chỉ thua hoặc hòa. Cuối mùa HLV Nguyễn Minh Phương xin từ chức, câu lạc bộ mời lại ông Lê Huỳnh Đức về dẫn dắt đội bóng qua giai đoạn khó khăn này.

Năm 2019, câu lạc bộ ký kết hợp tác với công ty cổ phần Kamito để tài trợ trang phục thi đấu cho đội bóng. Điều này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc nâng cao chuyên nghiệp hóa của câu lạc bộ. Mùa giải cũng là một mùa giải thất bại như hai mùa giải trước đó khi Đà Nẵng thi đấu bết bát và đứng ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng.

Từ mùa giải 2020 đến 2022, Đà Nẵng gặp khó khăn khi không thể cạnh tranh với các đội bóng hàng đầu tại V-League, họ thường đứng ở nửa dưới bảng xếp hạng và phải đối mặt mặt với áp lực trụ hạng. Giữa mùa giải 2021, câu lạc bộ sa thải HLV Lê Huỳnh Đức sau chuỗi trận bết bát và bổ nhiệm HLV Phan Thanh Hùng lên vị trí thuyền trưởng của đội bóng nhưng cũng không thể giúp đội bóng Sông Hàn tìm lại được ánh hào quang mà họ từng có.

Mùa giải 2023, nối tiếp chuỗi mùa giải thất bại trước đó, Đà Nẵng tiếp tục cuộc đua trụ hạng nhưng lần này may mắn đã không đứng về phía họ. Chỉ dành được 14 điểm sau 18 trận đấu Đà Nẵng kết thúc mùa giải 2023 ở vị trí thứ 14 và chính thức nói lời chia tay V-League sau hơn hai thập kỷ góp mặt tại sân chơi số một Việt Nam.

2.5 Tìm lại ánh hào quang (2024-nay)

Sau thất bại ở cuộc chiến trụ hạng mùa giải 2023, SHB Đà Nẵng phải xuống chơi tại giải hạng nhất quốc gia mùa giải 2024, đội bóng đã quyết tâm thi đấu với tinh thần cao độ. Với lực lượng vượt trội so với các đội bóng khác tại giải đấu bao gồm các cầu thủ như Đặng Anh Tuấn, Phan Văn Long, Lương Duy Cương,...SHB Đà Nẵng thể hiện sự ổn định và vững chắc. Họ chỉ để thua 1 trận trên hành trình vô địch, với 44 điểm sau 17 trận đấu, Đà Nẵng đã lên ngôi vô địch giải hạng nhất quốc gia vô cùng thuyết phục qua đó dành tấm vé lên chơi tại V-League mùa giải 2025 sau một năm vắng bóng. Chức vô địch này đánh dấu sự trở lại của đội bóng Sông Hàn trong hành trình tìm lại ánh hào quang mà họ từng có trong quá khứ.

3. Phong cách chơi bóng

SHB Đà nẵng có một phong cách chơi bóng đặc trưng, kết hợp giữa sự linh hoạt và sức mạnh. Mang lại nhiều sự khó chịu cho các đối thủ khi phải đối đầu với câu lạc bộ Đà nẵng bằng lối chơi kỷ luật và đầy thanh thoát của họ.

Đà Nẵng thường sử dụng lối tấn công linh hoạt, với việc sắp xếp cầu thủ ở vị trí cao để tạo cơ hội ghi bàn, họ tận dụng tốc độ của những cầu thủ chạy cánh để tạo ra những pha phản công nhanh. Đội bóng cũng chú trọng về mặt phòng ngự, không để đối thủ kiểm soát bóng quá nhiều, sử dụng các trung vệ và tiền vệ phòng ngự để giữ vững Zone 14 (khu vực ngay sát rìa vòng cấm). Đà Nẵng cũng có thể chơi pressing. Đặc biệt là khi đối đầu với những đội bóng mạnh, họ mạnh dạn pressing đối thủ ở phần sân đối phương cắt đứt liên lạc của đối thủ trong việc xây dựng tấn công. Tinh thần thi đấu cũng là một phần quan trọng trong cách chơi của SHB Đà Nẵng. Điều này giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn trong trận đấu và dành được những kết quả tốt.

4. Sân vận động

Sân nhà câu lạc bộ SHB Đà Nẵng hiện nay là sân vận động Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng) với sức chứa lên tới 20.500 khán giả. Sân bóng được khởi công xây dựng từ ngày 21/02/2013 và hoàn thành vào ngày 30/08/2016.

Trước đó sân nhà của câu lạc bộ là sân vận động Chi Lăng nhưng do có liên quan đến vụ án Ngân hàng xây dựng Việt Nam nên sân bóng đã bị tịch thu để điều tra. Đội bóng đã chuyển sang sân vận động Hòa Xuân làm sân nhà từ mùa giải 2017 cho tới nay.

Mặt cỏ của sân vận động Hòa Xuân là loại cỏ Bermuda, loại cỏ dạng hạt Mỹ, có khả năng chịu hạn, tốc độ tái sinh cao, rễ sau và bền bỉ. Nhiều sân bóng hàng đầu Việt Nam và thế giới cũng lựa chọn loại cỏ này như: sân vận động Mỹ Đình, sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng)... Sân vận động Hòa Xuân được đánh giá là một trong những sân bóng có mặt cỏ đẹp nhất tại Việt Nam.


Sân vận động Hòa Xuân (sân nhà câu lạc bộ SHB Đà Nẵng)

5. Hội cổ động viên

Cổ động viên SHB Đà Nẵng vô cùng nhiệt huyết và đam mê, tạo nên không khí sôi động và một biển màu sắc xanh-cam tại sân Hòa Xuân mỗi khi đội bóng Sông Hàn thi đấu. Là liều thuốc tinh thần của đội bóng, họ không chỉ đứng sau đội trong trong những trận đấu quan trọng mà còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo sân chơi và tạo dựng tinh thần đoàn kết cho cộng đồng cổ động viên câu lạc bộ Đà Nẵng.


Hội cổ động viên Đà Nẵng

6. Hoạt động chuyển nhượng và công tác đào tạo trẻ

Câu lạc bộ SHB Đà Nẵng trước đây từng chi nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng nhằm bổ sung lực lượng cho đội bóng. Chủ yếu là các cầu thủ ngoại như là Almeida hay Gaston Merlo,... Hai cầu thủ trên từng dành được danh hiệu vua phá lưới khi còn khoác trên mình màu áo của Đà Nẵng. Gaston Merlo đi vào ngôi đền huyền thoại của câu lạc bộ khi anh chính là người ghi nhiều bàn nhất lịch sử câu lạc bộ Đà Nẵng. Nhưng hiện tại Đà Nẵng đã chú trọng hơn về những cầu thủ trong nước, bằng chứng là mùa giải vừa qua đội hình của câu lạc bộ hoàn toàn không có cầu thủ ngoại nào mà chỉ có cầu thủ Việt Nam.

Bóng đá trẻ của Đà Nẵng cũng có tiếng tăm lớn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Các cầu thủ trẻ của câu lạc bộ Đà Nẵng đã từng vô địch nhiều giải trẻ với các lứa tuổi khác nhau như U21, U17, U15. Một số cầu thủ ở đội trẻ Đà Nẵng sau này cũng thành danh ở Việt Nam như là Võ Huy Toàn, anh từng nằm trong top 5 đề cử cho quả bóng vàng Việt Nam năm 2015.

7. Đội bóng kình địch

Công An Hà Nội

Công an Hà Nội trước có tên gọi là câu lạc bộ quân đội. Đội bóng đã từng 2 lần đánh bại Đà Nẵng trong trận chung kết quốc gia lần lượt những năm 1987 và 1990. Kể từ đó mối nhân duyên của Đà Nẵng và Công an Hà Nội bắt đầu, mỗi khi hai đội gặp nhau đều mang một tinh thần quyết tâm, máu lửa, không ngại va chạm để mang chiến thắng về cho đội nhà bằng mọi giá.

Becamex Bình Dương

Các trận đối đầu giữa Đà Nẵng và Bình Dương được miêu tả như “vành đai lửa” của bóng đá Việt Nam. Lý do cho sự máu lửa này là do cả hai đều là những đội bóng lâu năm có nhiều thành tích ấn tượng tại Việt Nam, từng cạnh tranh khốc liệt với nhau cho chức vô địch. Sự máu lửa đây không chỉ có ở hai bên cầu thủ mà còn xuất hiện ở cả trên khán đài mỗi khi hai đội chạm trán nhau.

8. Trang phục và Logo thi đấu

Trang phục truyền thống của SHB Đà Nẵng có màu cam làm chủ đạo. Ngực trái in logo của đội bóng, ngực phải và dưới bụng áo khắc tên của nhà tài trợ đội bóng là hãng thể thao Kamito và ngân hàng SHB.

 


Áo thi đấu sân nhà của SHB Đà Nẵng

Logo của đội bóng không thay đổi sau nhiều năm thi đấu với khung ngoài hình tròn màu xanh quen thuộc khắc tên câu lạc bộ bóng đá SHB Đà Nẵng, phía bên trong là logo của ngân hàng SHB (chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Đà Nẵng), phía bên trên có in hình 3 ngôi sao tượng trưng cho 3 chức vô địch quốc gia của đội bóng.


Logo câu lạc bộ SHB Đà Nẵng

9. Thành tích thi đấu

SHB Đà Nẵng là một trong những câu lạc bộ giàu thành tích nhất tại Việt Nam. Dưới đây là những danh hiệu đội bóng có được xuyên suốt lịch sử câu lạc bộ.

Giải quốc gia

V-League 1:

Vô địch (3): 1992, 2009, 2012

Á quân (5): 1987, 1990, 1991, 2005, 2013

Hạng 3 (2): 2011, 2016

Cup quốc gia:

Vô đich (2): 1993, 2009

Siêu cup bóng đá Việt Nam:

Vô địch (1): 2012

Á quân (1): 2009

V-League 2:

Vô địch (2): 1997, 2024

Á quân (1): 2001

Giải giao hữu

Cup Thiên Long:

Vô địch (1): 2021

Cup BTV:

Vô địch (1): 2008

Cup Nutifood:

Vô địch (1): 2016

Cup Bác Tôn - An Giang:

Vô địch (1): 1988

Cup Trường Sơn:

Vô địch (1): 1976

Giải cấp độ trẻ

Giải vô địch bóng đá U21 Việt Nam:

Vô địch (3): 2003, 2008, 2009

Giải vô địch bóng đá U17 Việt Nam:

Vô địch (4): 2003, 2010, 2011, 2013

Giải vô địch bóng đá U15 Việt Nam:

Vô địch (1): 2005

Bình luận