Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

CLB Bình Định: Tất tần tật về đội bóng đất võ

Ngày đăng: 29/07/2024

Câu lạc bộ bóng đá Bình Định tên đầy đủ là Merryland Quy Nhơn Bình Định, nay thuộc quyền  sở hữu của Công ty cổ phần Bình Định Sport. Là một đội bóng lâu đời tại Việt Nam, đội bóng hiện đang thi đấu tại giải V-League 1 (giải đấu cao nhất Việt Nam) và là một trong những đội bóng hàng đầu cạnh tranh cho chức vô địch.


Hình ảnh ban huấn luyện và cầu thủ Bình Định

1. Lịch sử hình thành

Câu lạc bộ bóng đá Bình Định trước đây có tên gọi là thanh niên Bình Định, đội bóng có một bề dày lịch sử. Đội bóng này được thành lập sau trận giao hữu giữa đội bóng thanh niên Quy Nhơn và thanh niên An Nhơn vào ngày 1 tháng 5 năm 1975. Lực lượng nòng cốt của đội bao gồm Phan Kim Lân, Đặng Gia Mẫn, Tống Anh Hoàng và còn nhiều cái tên tài năng khác của hai bên đội bóng.

2. Các giai đoạn của đội bóng

Là một trong những đội bóng có lịch sử lâu đời tại Việt Nam, câu lạc bộ Bình Định đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi trong lịch sử đội bóng, đỉnh cao có, vực sâu có. Nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất của những người con đất võ, giờ đây đội bóng đang ngày càng phát triển hùng mạnh và là một đội bóng đáng gờm cho chức vô địch V-League 1.

Giai đoạn đầu (1975-1980)

Sau khi câu lạc bộ Bình Định thành lập năm 1975, đội bóng có bốn trận đấu giao hữu cùng năm với đội Khánh Hòa, Nha Trang, Quảng Nam và Hội An. Các trận đấu này Bình Định không đặt nặng vấn đề thắng thua mà chủ yếu để đánh giá, thử nghiệm đội hình chuẩn bị cho giải Cup Trường Sơn năm tới. 

Năm 1976 câu lạc bộ Bình Định tham dự giải Cup Trường Sơn và nhanh chóng để lại tên tuổi khi đứng ở vị trí thứ 4, đội bóng cũng danh dự được nhận giải phong cách của giải đấu. Giải đấu đó giúp bóng đá Bình Định có một cái nhìn khác của các đội bóng ở khu vực miền Trung.

Năm 1978 đội bóng tham dự giải đấu ở khu vực và dành được giải Á quân. Năm 1979 đội bóng tiếp tục thi đấu ở giải đấu khu vực với quyết tâm không để về nhì lần nữa, kết quả là họ đã xuất sắc đánh bại các đội bóng khác trong giải đấu để lên ngôi vô địch khu vực và được thi đấu tại hạng A1 ( giải cao nhất Việt Nam thời đó) mùa tới.

Năm 1980 đội bóng tham dự giải A1 nhưng chung bảng với hai cái tên đình đám tại Việt Nam thời bấy giờ là câu lạc bộ Công an Hà Nội và Cảng Sài gòn. Đội bóng Đất Võ đã không thể làm nên kỳ tích khi xếp ở vị trí thứ 4 với 11 bàn thắng và 16 bàn thua. 

Giai đoạn phát triển (1981-1989)

Trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1990, câu lạc bộ Bình Định có 9 lần thạm dự hạng A1 nhưng không để lại quá nhiều nổi bật ở giải đấu. Thế nhưng đội bóng vẫn duy trì vị trí ổn định đứng giữa bảng xếp hạng.

Năm 1987, câu lạc bộ Bình Định đạt được thành tích cao nhất tại giải khi xếp ở vị trí thứ 2 ở bảng A, chỉ xếp sau câu lạc bộ Quân độ. Điều này giúp họ giành vé chơi ở giai đoạn 2, tuy nhiên sang đến giai đoạn 2, đội bóng Đất Võ chỉ giành được 1 chiến thắng và xếp thứ 3 chung cuộc.

Dù không dành được những thứ hạng cao trong giải đấu nhưng câu lạc bộ Bình Định vẫn cho thấy sự tiến bộ của họ qua các năm. Những tên tuổi như Tống Anh Hoàng, Phan Kim Lân đã hằn sâu vào trong ký ức của những người hâm mộ đội bóng Đất Võ. Đây là lứa cầu thủ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của câu lạc bộ Bình Định sau này.

Sau mùa bóng 1989, đội đã tách thành 2 câu lạc bộ riêng biệt. Các cầu thủ Bùi Văn Sĩ, Tạ Mạnh Thôi,... về đội bóng Quảng Ngãi. Phần còn lại thành lập nên đội bóng đá Bình Định, đội cũng bổ sung thêm nhiều cái tên để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Thời kỳ chuyển giao ( 1990-2000)

Dù có sự thay đổi lớn về mặt đội hình nhưng câu lạc bộ Bình Định vẫn tự tin khi lứa cầu thủ năng khiếu đầu tiên đã kịp trưởng thành. Một số cầu thủ ở lứa này trở thành nòng cốt của tuyển quốc gia sau này.

Mùa giải 1994, câu lạc bộ Bình Định thi đấu thăng hoa với dàn cầu thủ tài năng đã lọt đến giai đoạn 2 ở giải toàn quốc. Đội bóng Đất Võ đã bị loại đáng tiếc khi chịu thất bại trước câu lạc bộ quân đội, cả 3 đội bóng quân đội, Bình Định và Long An đều có được 4 điểm nhưng Bình Định thua về mặt hiệu số và dừng bước tại giải năm đó.

Mùa giải 1995, đội bỏ không thi đấu play-off tranh suất trụ hạng để phản ứng với ban tổ chức giải về những vấn đề tiêu cực nên đã bị kỷ luật và xuống hạng

Sau hai mùa bị đẩy xuống chơi tại giải hạng nhì, mùa giải 1998 câu lạc bộ Bình Định quay trở lại giải hạng nhất sau khi lên ngôi vô địch tại giải hạng nhì 1997. Nhưng đội bóng thi đấu thất vọng đứng bét bảng chỉ có 12 điểm sau 26 trận đấu, nhận tới 50 bàn thua (nhiều nhất tại giải) và trở lại giải hạng nhì.

Giai đoạn thành công (2001-2007)

Mùa bóng 2001, đội bóng xuất sắc lọt đến trận chung kết giải hạng nhì nhưng nhận thất bại 1-0 trước câu lạc bộ Hải Quan và đành đứng vị trí Á quân. Với thành tích đó, câu lạc bộ Bình Định vẫn có tấm vé lên chơi tại giải vô địch quốc gia mùa giải 2002.

Mùa giải 2002, câu lạc bộ Bình Định khởi đầu khá tốt trong nửa đầu mùa giải họ đứng trong top 5 bảng xếp hạng. Sau trận hòa với Cảng Sài Gòn, đội bóng đánh mất phong độ và đứng nguy cơ xuống hạng nhưng các cầu thủ của mảnh Đất Võ đã thức tỉnh kịp thời ở cuối mùa giải với những chiến thắng quan trọng giúp đội nhà kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4.

Mùa giải 2003 là một mùa giải thành công với câu lạc bộ Bình Định. Sau nửa đầu mùa giải khó khăn họ đã quay trở lại cuộc đua với ngòi nổ Pipat Thonkanya (9 bàn thắng cho Bình Định mùa giải đó) trên hàng công. Kết thúc mùa giải họ suýt chút nữa có ngôi hạng 3 khi kém Nam Định đúng 1 điểm. Cùng mùa giải đó Bình Định có cho mình chiếc Cup quốc gia đầu tiên trong lịch sử đội bóng sau chiến thắng kịch tính trước Ngân hàng Đông Á với tỉ số 2-1 ngay trên “thánh địa” Quy Nhơn của mình.

Mùa giải 2004 Bình Định thi đấu không quá nổi bật ở giải vô địch quốc gia khi chỉ đứng vững ở vị trí giữa bảng xếp hạng nhưng họ đã bảo vệ thành công chức vô địch Cup quốc gia sau khi đánh bại câu lạc bổ thể công 2-0 với 2 bàn thắng muộn của Thanh Phương và Issawa. Với chức vô địch Cup quốc gia giúp Bình Định có lần đầu tiên được thi đấu tại AFC Champions League.


Chức vô địch Cup quốc gia 2004 của câu lạc bộ Bình Định

Sau hai mùa giải thành công, Bình Định đã được Công ty cổ phần ô tô xe máy Hoa Lâm làm nhà tài trợ chính thức cho đội bóng với mức đầu tư 12 tỷ đồng trong 3 năm. Đội bóng chính thức chuyển sang mô hình bán chuyên nghiệp với tên gọi câu lạc bộ bóng đá Hoa Lâm Bình Định.

Có được nguồn đầu tư khủng song mùa giải 2005 lại là một mùa giải thất bại của Bình Định. Họ thi đấu phập phù đứng vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng và chỉ may mắn thoát khỏi cảnh xuống hạng khi xếp trên nhóm cầm đèn đỏ 1 điểm. Còn tại đấu trường Cup quốc gia họ để thất bại trước nhà vô địch mùa giải năm đó là câu lạc bộ Đồng Tâm Long An trên chấm luân lưu sau khi hòa kịch tính 3 đều trong thời gian chính thức. Công ty Hoa Lâm cũng rút tài trợ cho đội bóng sau một mùa giải không thành công.

Mùa giải 2006 là sự trở lại của đội bóng Đất Võ. Họ có một mùa giải thành công khi cán đích ở vị trí thứ 3 giải vô địch quốc gia. Tại Cup quốc gia họ xuất sắc lọt tới trận bán kết trước khi bị chính câu lạc bộ Đồng Tâm Long An loại trên chấm luân lưu một lần nữa.

Mùa bóng 2007, câu lạc bộ Bình Định vẫn giữ được phong độ ổn định nhưng không quá nổi trội tại giải vô địch quốc gia, kết thúc mùa giải họ đứng ở vị trí thứ 6 chung cuộc và nhận giải đội bóng phong cách. Cũng trong mùa giải đó Bình Định đã có lần thứ 3 vào chung kết Cup quốc gia. Họ gặp Nam Định ở trận chung kết, trận đấu đó hai đội có nhiều tình huống ác liệt, trọng tài đã phải rút tổng cộng cho hai bên 7 chiếc thẻ vàng, kết quả cuối cùng Bình Định bị Nam Định đánh bại 1-0 và ngậm ngùi nhìn đối thủ nâng cao chiếc Cup vô địch. Đó là những điểm sáng le lói cuối cùng trước khi câu lạc bộ bước vào một thời kỳ khủng hoảng.

Giai đoạn khủng hoảng (2008-2018)

Năm 2008, Bình Định gặp muôn vàn khó khăn khi các cầu thủ chủ chốt của đội bóng đều đã ra đi hoặc giải nghệ khiến câu lạc bộ phải đôn những cầu thủ trẻ lên để thi đấu. Bên cạnh đó đội bóng suýt nữa phải ra tòa vì vi phạm hợp đồng với nhà tài trợ sơn Boss. Với một đội hình non trẻ, câu lạc bộ đã thất bại hoàn toàn ở mùa giải 2008 khi đứng áp chót bảng xếp hạng và phải đá trận play-off sống còn cho một suất trụ hạng với Cao su Đồng Tháp. Bình Định đã nhận thất bại 0-1 ở trận play-off và phải chia tay giải đấu cao nhất Việt Nam sau 7 mùa giải góp mặt.

Mùa giải 2009, Bình Định xuống thi đấu tại giải hạng nhất, họ đặt quyết tâm vô địch và trở lại V-League. Sự quyết tâm của họ được thể hiện ở mỗi trận đấu khi có những thời điểm họ đứng trên đỉnh bảng xếp hạng nhưng không giữ được phong độ và bị những đối thủ cạnh tranh vượt lên và kết thúc mùa giải với vị trí thứ 4, suýt soát cho một tấm vé dự trận play-off thăng hạng. Năm 2009 đội bóng chính thức chuyển sang mô hình chuyên nghiệp dưới sự quản lý của Công ty cổ phần bóng đá SQC Bình Định.

Trong 2 mùa giải liên tiếp từ 2010 đến 2011, đội bóng Đất Võ vẫn đặt quyết tâm cao độ, khát khao chiến thắng mỗi lần ra sân nhưng họ vẫn chưa đạt được mục tiêu lớn nhất là quay trở lại V-League. Cả 2 mùa giải họ đều cán đích ở vị trí thứ 3 và cách tấm vé dự trận play-off tưởng rất gần nhưng không thể với tới.

Sau 3 lần không thể với tới mục tiêu dù ở rất gần, mùa giải 2012 họ đã bị tụt lại phía sau và đứng ở vị trí thứ 6 chung cuộc. Kết quả này mới chỉ là sự bắt đầu cho sự suy tàn của bóng đá Bình Định.

Mùa giải 2013 đội bóng thậm chí còn bết bát hơn khi đứng ở vị trí thứ 7 với 12 điểm, bằng điểm với đội xuống hạng là Bình Dương nhưng do hiệu số tốt hơn nên Bình Định may mắn thoát khỏi cảnh xuống chơi tại giải hạng nhì.

Đỉnh điểm cho sự sụp đổ của bóng đá Bình Định là vào mùa giải 2014. Đội bóng không có đủ kinh phí nên đã rút lui khỏi giải và bị đẩy thẳng xuống chơi tại giải hạng 3, lực lượng của đội bóng lúc đó chủ yếu là các cầu thủ trẻ lứa U21, thậm chí có cả U17 do huấn luyện viên Phan Tôn Quyền dẫn dắt. Nhưng Bình Định đã vượt lên trên tất cả sau hàng loạt khó khăn, đội bóng xuất sắc đạt giải Á quân giải hạng ba 2014 và được lên thi đấu tại giải hạng nhì 2015.

Mùa giải 2015, Bình Định thi đấu tại giải hạng nhì với đội hình chủ yếu là các cầu thủ U21 nhưng chính các cầu thủ trẻ này đã tạo nên bất ngờ khi giúp câu lạc bộ Bình Định lọt tới trận chung kết thăng hạng. Họ để thua Tây Ninh 0-2 và phải quyết chiến cho tấm vé cuối cùng với Cà Mau ở trận play-off. Dù rất cố gắng nhưng họ đã để thua trên chấm luân lưu và tạm gác lại giấc mơ lên hạng.

Mùa giải 2016, Bình Định càn quét mọi đối thủ một mạch tiến tới trận chung kết thăng hạng chạm trán câu lạc bộ PVF. Nhưng một lần nữa cơn ác mộng trên chấm luân lưu đã chấm dứt hy vọng thăng hạng của họ.

Mùa giải 2017, đội bóng với tinh thần quyết tâm lên cao sau 2 lần để tuột mất cơ hội thăng hạng. Câu lạc bộ Bình Định phải đá 2 trận play-off với các đối thủ lần lượt là PVF và Hà Nội B, lần này Bình Định không để kịch bản của 2 lần trước lặp lại khi họ kết liễu cả 2 đối thủ trong hai hiệp thi đấu chính thức với cùng tỉ số 1-0, qua đó có được tấm vé lên giải hạng nhất.

Năm 2018 đội bóng ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần tập đoàn TMS. Mùa giải 2018, Bình Định không để lại nhiều ấn tượng tại giải hạng nhất khi họ chỉ cạnh tranh cho suất trụ hạng và đã trót lọt thành công khi kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 9 hơn đội xuống hạng 3 điểm.

Đội quân “QUANG TRUNG” trở lại (2019-nay)

Mùa giải 2019 không khác mùa giải 2018 khi Bình Định tiếp tục ở phía cuối bảng xếp hạng và phải gồng mình cho một suất trụ hạng, đội bóng chỉ thoát nạn ở vòng đấu cuối cùng và kết thúc ở vị trí thứ 11 áp chót trên bảng xếp hạng.

Mùa giải 2020, Bình Định trình diễn một thứ bóng đá thăng hoa. Họ toàn thắng tất cả các trận đấu tại giai đoạn 2 giải hạng nhất và lên ngôi vô địch vô cùng thuyết phục, qua đó chính thức trở lại sân chơi lớn nhất Việt Nam sau 12 năm vắng bóng. Một hành trình dài đằng đẵng hơn một thập kỷ, có những lúc phải bắt đầu từ con số 0 nhưng sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi, đội bóng đã được hưởng quả ngọt.

Ngày 25/12/2020, Hưng Thịnh Land và TopenLand trở thành hai nhà tài trợ chính của câu lạc bộ Bình Định trong 3 mùa giải 2021 đến 2023 với tổng kinh phí lên đến 300 tỷ đồng. Có được số tiền đầu tư khổng lồ, Bình Định bắt đầu mua sắm trên thị trường chuyển nhượng mang về những bản hợp đồng đắt giá như Adriano Schmidt, Trần Đình Trọng và nhiều cái tên đình đám khác. Bình Định được mọi người gọi trêu với cái tên “PSG Việt Nam” với độ chịu chi để mang về những cái tên nổi bật nhất bóng đá Việt Nam.

Mùa giải 2021, với một đội hình toàn “hàng khủng” câu lạc bộ Bình Định nhanh chóng thể hiện sức mạnh của mình khi đứng thứ 8 sau 12 vòng đấu, chỉ cách nhóm vô địch đúng 1 điểm. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19 nên V-League mùa giải 2021 đã bị hủy bỏ giữa chừng.

Năm 2022, câu lạc bộ Đất Võ có thêm sự phục vụ của thủ thành Đặng Văn Lâm, sự bổ sung này càng thêm củng cố hàng phòng ngự cho đội bóng. Mùa giải 2022 bắt đầu sau khi dịch Covid19 lắng xuống, Bình Định tiếp tục một phong độ ấn tượng khi cán đích ở vị trí thứ 3, một thành tích đáng ghi nhận với một đội bóng mới thi đấu 2 mùa giải tại V-League từ khi quay trở lại giải đấu này. Tại Cup quốc gia đội bóng có một hành trình đáng nhớ khi lọt tới trận chung kết lần thứ 4 trong lịch sử câu lạc bộ. Nhưng đáng tiếc họ đã nhận thất bại 2-0 trước câu lạc bộ Hà Nội trên sân Hàng Đẫy (sân nhà câu lạc bộ Hà Nội). Đang trên đà hưng phấn thì vào ngày 9/12/2022, người hâm mộ đội bóng nhận tin sốc khi câu lạc bộ thông báo đang nợ 38,5 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 tỷ là nợ các khoản phí và thưởng các trận bóng, thưởng thành tích cuối mùa giải 2022 và đang có nguy cơ giải thể.

Sau khi vấn đề tài chính của câu lạc bộ được giải quyết êm xuôi, mùa giải 2023 Bình Định vẫn nằm trong nhóm các đội bóng cạnh tranh cho chức vô địch nhưng họ đã tụt lại về sau khi giai đoạn 2 bắt đầu. Họ chỉ đứng thứ 7 trong tổng số 8 đội ở giai đoạn đó. Nhưng tại Cup quốc gia họ xuất sắc dành hạng 3 chung cuộc sau khi để thua Viettel ở trận bán kết.

Mùa giải 2024 là mùa giải thành công nhất của câu lạc bộ Bình Định tại V-League. Các cầu thủ trong đội đều có phong độ cao và đặc biệt là sự bùng nổ của tiền đạo Alan Sebastiao khi đóng góp tới 17 bàn thắng cho Bình Định. Đội bóng kết thúc mùa giải với vị trí Á quân, họ chỉ chịu thua trước một Nam Định quá xuất sắc và ổn định.

3. Phong cách chơi bóng

Những ai hay xem câu lạc bộ Bình Định thi đấu qua Chaoluatv đều có thể thấy Bình Định là một đội bóng chắc chắn, mạnh mẽ và có những đường phản công tốc độ, sắc lẹm. Với ưu tiên hàng đầu của đội bóng là phòng thủ chắc, Bình Định là một trong những hàng thủ khó phá vỡ nhất V-League, bằng chứng ở mùa giải vừa qua đội bóng Đất Võ là câu lạc bộ có ít trận thua nhất cả giải đấu (5 trận).

Câu lạc bộ Bình Định thường sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3. Dù chơi 3 hậu vệ nhưng họ có xu hướng tách rộng ra mở bóng, triển khai lối chơi theo chiều ngang sân, 2 cánh yêu cầu một thể lực dồi dào khi phải di chuyển liên tục hỗ trợ hàng phòng ngự hình thành một khối tam giác giữa hậu vệ và tiền vệ phòng ngự nhằm kéo giãn đội hình của đối phương, 3 mũi nhọn phía trên đều là những cầu thủ kỹ thuật tốc độ cao luôn sẵn sàng cho những đợt phản công nhanh. Bình Định thi triển lối đá phòng ngự phản công nhuần nhuyễn giúp đội bóng có được những kết quả thuận lợi nhất là khi phải đối đầu với những đối thủ mạnh với lối chơi kiểm soát bóng.

4. Sân vận động


Sân vận động Quy Nhơn (sân nhà câu lạc bộ Bình Định)

Sân nhà câu lạc bộ Bình Định là sân vận động Quy Nhơn ( số 194 Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định) với sức chứa 20000 chỗ ngồi . Sân được xây dựng năm 1976. Tới năm 2007-2008 sân được sửa chữa lại do đã xuống cấp trầm trọng.

Sau khi Bình Định trở lại V-League năm 2021, câu lạc bộ đã tu sửa lại cơ sở vật chất sân Quy Nhơn. Thay thế mặt cỏ lá gừng bằng cỏ Bermuda, tăng chất lượng, giảm thiểu chấn thương cho cầu thủ, sân bóng còn có hệ thống tưới nước cao cấp giúp bảo dưỡng mặt sân thường xuyên và tốt nhất. Sân vận động Quy nhơn được đánh giá là sân bóng đẹp và hiện đại nhất khu vực miền Trung.

5. Hội cổ động viên 

Hội cổ động viên bóng đá Bình Định là những người hâm mộ nhiệt huyết, luôn đồng lòng, sát cánh ủng hộ đội bóng quê hương của mình. Họ tạo nên bầu không khí sôi động trên khán đài, cổ vũ và động viên các cầu thủ trong mỗi trận đấu. Những biểu ngữ, cờ đỏ trắng và tiếng reo hò của họ làm sân vận động Quy Nhơn trở nên sống động, đầy cảm xúc.


Hội cổ động viên câu lạc bộ Bình Định

Hội cổ động viên câu lạc bộ Bình Định là phần không thể thiếu của đội bóng Đất Võ. Họ là nguồn động viên, là liều thuốc tinh thần là niềm tự hào của con người Bình Định và bóng đá của khu vực miền Trung.

6. Hoạt động chuyển nhượng và công tác đào tạo trẻ

Bình Định được biết đến là một đội bóng chịu chi. Họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mang về những bản hợp đồng đắt giá nâng cao chất lượng, giá trị đội hình. Năm 2021 họ đã khiến tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam kinh hoàng khi chỉ vừa mới quay trở lại V-League mà họ đã bỏ ra một số tiền khổng lồ mang về những cầu thủ nổi tiếng như Trần Đình Trọng, Adriano Schmidt,... cho thấy tham vọng trở thành đội bóng số một tại Việt Nam.

Dù tích cực trên thị trường chuyển nhượng nhưng câu lạc bộ vẫn không quên nhiệm vụ “trồng cây”. Các cầu thủ của đội trẻ Bình Định đều là những cầu thủ tài năng, đội bóng có nhiều danh hiệu ở giải trẻ với các lứa tuổi khác nhau. Đặc biệt khi đội bóng trong giai đoạn khó khăn phải đôn các cầu thủ trẻ lên đội một, họ vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ đưa Bình Định lên hạng và trở lại đấu trường cao nhất Việt Nam.

7. Đội bóng kình địch

Đồng Tâm Long An

Các trận đấu có tính then chốt, quan trọng của câu lạc bộ Bình Định hầu như đều chạm trán với Đồng Tâm Long An. Mối thù địch của 2 đội bắt đầu khi Bình Định hai lần liên tiếp để thua trên chấm luân lưu trước Long An tại giải Cup quốc gia, từ đó mỗi khi hai đội gặp nhau đều có sự căng thẳng, quyết tâm đánh bại đối thủ để thể hiện sức mạnh của mình với đội bóng còn lại.

SHB Đà Nẵng

Cả Đà Nẵng và Bình Định đều đại diện cho khu vực miền Trung thi đấu tại giải V-League nên sự đấu đá giữa hai đội là điều hiển nhiên khi hai bên đều muốn trở thành đội bóng mạnh nhất tại miền Trung. Trước đây Đà Nẵng là một đội bóng cạnh tranh cho chức vô địch và dành được nhiều danh hiệu tại quốc nội, nhưng gần đây sự vươn mình mạnh mẽ của câu lạc bộ Bình Định khi liên tiếp có thứ hạng cao và tiến sâu tại các giải đấu Cup khiến cuộc đối đầu mỗi khi hai đội gặp nhau trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, họ đều muốn chiến thắng với tinh thần quyết tâm, máu lửa để thị uy với đối phương ai mới là câu lạc bộ số một ở miền Trung.

8. Trang phục và logo đội bóng

Trang phục thi đấu của câu lạc bộ Bình Định được hãng thể thao Kamito thiết kế kết hợp giữa nét truyền thống và hiện đại. Áo được khắc những nét văn hóa độc đáo, lấy cảm hững từ nghệ thuật bài chòi. Màu sắc chủ đạo là màu đỏ nâu lấy cảm hứng từ chiến bào người anh hùng áo vải Quang Trung.


Áo thi đấu câu lạc bộ Bình Định

Logo của câu lạc bộ Bình Định là hình ảnh của vua Quang Trung đang cưỡi ngựa oai phong lẫm liệt. Điều này nhằm tôn vinh những đóng góp của vị anh hùng mảnh đất Bình Định. Trên Logo có 2 màu sắc chủ đạo là đỏ và trắng tượng trưng cho sự kiên định, dũng cảm và lòng yêu nước của những người dân Bình Định.


Logo câu lạc bộ Bình Định

Câu lạc bộ Bình Định đã nhiều lần thay đổi logo qua các thời kỳ của đội bóng. Dưới đây là một vài logo được đội bóng sử dụng qua những giai đoạn khác nhau.


Logo câu lạc bộ Bình Định qua từng giai đoạn khác nhau

9.Thành tích danh hiệu

Trải qua gần 50 thành lập và phát triển, câu lạc bộ Bình Định vẫn chưa thể có chức vô địch V-League mà họ khao khát nhưng họ cũng có một bảng thành tích đồ sộ qua nhiều năm chinh chiến. Dưới đây là những thành tích và danh hiệu mà câu lạc bộ Bình Định đạt được trong suốt lịch sử đội bóng.

Giải quốc gia

V-League 1:

  • Á quân (1): 2024

  • Hạng 3 (2): 2006, 2022

  • Giải phong cách (1): 2007

 

Cup quốc gia:

  • Vô địch (2): 2003, 2004

  • Á quân (2): 2007, 2022

  • Hạng 3 (1): 2023

 

V-League 2:

  • Vô địch (2): 2001, 2020

Giải trẻ

U21 quốc gia:

  • Vô địch (1): 2005

  • Hạng 3 (1): 2015

 

U15 quốc gia:

  • Hạng 3 (3): 2002, 2003, 2006

 

U13 quốc gia:

  • Á quân (1): 2010

Các giải khác

Cup tứ hùng TP.HCM

  • Vô địch (1): 2020

Bình luận