Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

CLB Hà Nội: Tất tần tật về đội bóng thủ đô

Ngày đăng: 30/07/2024

Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (Hanoi Football Club) là một đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu tại Giải vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1). Hiện tại, họ đang là một trong những câu lạc bộ thành công nhất tại Việt Nam khi nắm giữ nhiều kỷ lục và thành tích của giải đấu. 


Hình ảnh các cầu thủ Hà Nội

1. Lịch sử hình thành

Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội được thành lập và sở hữu bởi Công ty Cổ phần Thể thao T&T. Đội bóng này ra mắt công chúng vào ngày 18/6/2006 với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội. Sau đó, đội bóng được đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T vào năm 2010 và cuối cùng đã chuyển thành Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội vào năm 2016 như hiện tại.

2. Lịch sử phát triển qua từng giai đoạn

Trong năm đầu tiên thành lập, Hà Nội đã tham dự Giải bóng đá hạng Ba Quốc gia 2006 với thành phần là các cầu thủ trẻ và được dẫn dắt bởi HLV Triệu Quang Hà (cựu tuyển thủ bóng đá Quốc gia Việt Nam). Kể từ thời điểm này, đội bóng nhanh chóng được đạt được nhiều thành tích và giành quyền lên chơi tại các hạng đấu cao hơn trong những mùa giải kế tiếp. 

2.1 Thời kỳ đầu (2006-2009)

Ngay trong mùa giải đầu tiên ra quân, câu lạc bộ Hà Nội đã giành chức vô địch Giải hạng Ba Quốc gia 2006 và được lên chơi tại Giải hạng Nhì. Trong mùa giải kế tiếp (2007), mặc dù không giành được chức vô địch khi để thua Quân khu 7 trong trận chung kết, nhưng Hà Nội vẫn giành quyền lên chơi tại giải hạng Nhất Quốc gia 2008 với tư cách là một trong hai đội dẫn đầu giải hạng Nhì. 

Trước thềm mùa giải 2008, Hà Nội đặt ra mục tiêu lên chơi tại Giải vô địch Quốc gia (V.League 1) ngay trong mùa giải tiếp theo. Do đó, câu lạc bộ đã đầu tư mạnh mẽ trên thị trường chuyển nhượng khi mang về nhiều tuyển thủ quốc gia như Dương Hồng Sơn, Phạm Như Thuần, Văn Sỹ Sơn và đặc biệt là Nguyễn Thành Long Giang (cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2006 và 2007).

Khi giải hạng Nhất 2008 khởi tranh, câu lạc bộ Hà Nội đã thi đấu rất ổn định khi liên tục góp mặt trong 3 vị trí dẫn đầu của giải đấu. Đội bóng thậm chí còn đứng ở vị trí đầu tiên khi kết thúc lượt đi. Đến cuối mùa giải, câu lạc bộ Hà Nội đã giành quyền thăng hạng lên V.League 1 mùa giải tiếp theo khi vượt qua Quân khu 5 ở vòng đấu áp chót. Họ xếp thứ 2 chung cuộc và chỉ kém đội dẫn đầu là Quân khu 4 - Sara Group đúng 3 điểm. 

Với việc giành quyền lên chơi tại V.League 1, câu lạc bộ Hà Nội đã trở thành đội bóng đầu tiên tại Việt Nam đạt thành tích thăng hạng ở 3 mùa giải liên tiếp. Kể từ khi thành lập vào năm 2006, Hà Nội chỉ mất đúng 3 năm để góp mặt tại giải đấu chuyên nghiệp cấp độ cao nhất tại Việt Nam. 

V.League 2009 là mùa giải đầu tiên đội bóng chơi tại V.League 1, Hà Nội đã chơi không tốt khi thường xuyên nằm trong nhóm cuối bảng xếp hạng. Kết thúc giai đoạn lượt đi, đội bóng này thậm chí còn đứng ở vị trí cuối cùng, khiến HLV Triệu Quang Hà và Chủ tịch Lâm Hồng Điệp bị sa thải. 

Để chuẩn bị cho giai đoạn lượt về, ban lãnh đạo đội bóng đã mời cựu tuyển thủ Quốc gia Nguyễn Hữu Thắng cho chiếc ghế HLV trưởng và ông Nguyễn Quốc Hội (thành viên của ban lãnh đạo T&T) làm Chủ tịch đội bóng. Nhờ những sự thay đổi kịp thời, câu lạc bộ Hà Nội đã thi đấu khởi sắc trong nửa cuối mùa giải và xếp thứ 4 chung cuộc. 

2.2 Thời kỳ HLV Phan Thanh Hùng (2010-2015)

Sau mùa giải đầu tiên đầy biến động tại V.League 1, câu lạc bộ Hà Nội đã bất ngờ chia tay HLV Nguyễn Hữu Thắng với những lý do ngoài chuyên môn. Sau đó, ban lãnh đạo đã bổ nhiệm ông Nicolau Barbosa Vaqueiro làm HLV trưởng, tuy nhiên, ông Vaqueiro lại bị sa thải chỉ sau 2 tháng do những bất đồng quan điểm giữa đôi bên. Đến ngày 11/1/2010, câu lạc bộ đã lựa chọn ông Phan Thanh Hùng cho chiếc ghế HLV trưởng trong thời điểm V.League 1 còn 20 ngày nữa là khởi tranh. 

Mặc dù trải qua nhiều biến động, nhưng câu lạc bộ vẫn thi đấu ấn tượng ở mùa giải 2020 với chức vô địch V.League 1 đầu tiên trong lịch sử. Hà Nội giành được 46 điểm sau 26 vòng đấu và hơn đội nhì bảng Vicem Hải Phòng 1 điểm. Trong 2 mùa giải tiếp theo (2011 và 2012), câu lạc bộ vẫn duy trì được phong độ ổn định khi đều giành được ngôi á quân của giải đấu. 

Đến mùa giải 2013, CLB Hà Nội vẫn thi đấu xuất sắc và giành chức vô địch sớm 1 vòng đấu. Đây cũng là mùa giải đánh dấu phong độ ghi bàn ấn tượng của bộ đôi tiền đạo Gonzalo và Hoàng Vũ Samson, khi mà cả 2 đều giành danh hiệu vua phá lưới với 14 bàn thắng. 

Trong những mùa giải tiếp theo (2014, 2015), V.League 1 đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Becamex Bình Dương với 2 chức vô địch liên tiếp. Đây cũng là giai đoạn mà Hà Nội chuyển giao lực lượng với những cái tên từ đội trẻ lên như Đỗ Duy Mạnh hay Phí Minh Long, tuy nhiên, đội bóng thủ đô vẫn duy trì được vị thế của mình với 2 mùa giải về nhì. 

2.3 Thời kỳ HLV Chu Đình Nghiêm (2016-2021)

Trước thềm mùa giải 2016, CLB Hà Nội đã có sự thay đổi trên băng ghế chỉ đạo khi HLV Phan Thanh Hùng tuyên bố từ chức vì lý do gia đình. Điều này đã khiến đội bóng phải gấp rút bổ nhiệm ông Phạm Minh Đức (HLV đội trẻ) để thay thế. Khi mùa giải mới khởi tranh, Hà Nội đã thi đấu kém thuyết phục khi chỉ giành được 1 điểm sau 4 trận đấu và xếp cuối bảng xếp hạng. Lúc này, ban lãnh đạo quyết định sa thải ông Đức và đưa trợ lý Chu Đình Nghiêm lên dẫn dắt. 

Nhờ sự thay đổi kịp thời, CLB đã thi đấu khởi sắc, từ đó dần cải thiện vị trí và leo lên vị trí đầu tiên khi giải đấu chỉ còn 2 vòng. Trong 2 vòng đấu cuối, Hà Nội tiếp tục giành chiến thắng trước Quảng Ninh và Thanh Hoá, qua đó giành chức vô địch V.League 2016 khi bằng điểm với Hải Phòng nhưng xếp trên nhờ hiệu số phụ. 


CLB Hà Nội vô địch V.League 2016

Sang đến mùa giải 2017, CLB Hà Nội vấp phải sự canh tranh gay gắt khi hàng loạt đội bóng như Quảng Nam, Thanh Hoá, Than Quảng Ninh hay Sài Gòn đều tỏ rõ tham vọng giành chức vô địch giải đấu. Trong màu giải này, đội bóng thủ đô đã để vuột mất chức vô địch vào tay Quảng Nam sau trận hòa tai hại với Than Quảng Ninh ở vòng đấu cuối. Chung cuộc, họ xếp thứ 3 và chỉ kém ngôi đầu bảng 2 điểm. 

Đến năm 2018, sau vòng chung kết U23 châu Á đầy thành công của đội tuyển Việt Nam, CLB Hà Nội đã nhận được sự chú ý của đông đảo người hâm mộ khi sở hữu nhiều tuyển thủ làm nên chiến tích tại Thường Châu. Đỉnh điểm là trong cuộc tiếp đón Hoàng Anh Gia Lai, SVĐ Hàng Đẫy đã đạt con số 25.000 khán giả, vượt qua sức chứa 22.500 chỗ ngồi. Trong V.League mùa giải năm đó, CLB Hà Nội đã thể hiện một phong độ áp đảo khi giành chức vô địch sớm 5 vòng đấu, đạt 64 điểm và ghi 72 bàn thắng sau 26 trận đấu. Mùa giải này cũng chứng kiến hàng loạt kỷ lục của giải đấu bị đội bóng thủ đô xô đổ như: Đội vô địch sớm nhất, đội có nhiều trận thắng nhất, đội ghi nhiều bàn thắng nhất,...

Sang đến mùa giải 2019, CLB khởi đồng mùa giải đầy thuận lợi với trận thắng 2-0 trước Becamex Bình Dương ở trận tranh siêu cúp Quốc gia. Tại V.League, mặc dù phải đối mặt với các ca chấn thương dài hạn của các trụ cột như Đình Trọng, nhưng đội bóng vẫn thi đấu xuất sắc và bảo vệ thành công chức vô địch trước 2 vòng đấu. Đáng chú ý, tại đấu trường Cúp Quốc gia, đội bóng thủ đô còn giành chiến thắng 2-0 trước Quảng Nam trong trận chung kết để có lần đầu tiên lên ngôi tại giải đấu này. 

Sang mùa giải tiếp theo, CLB Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với cơn bão chấn thương khi hàng loạt trụ cột như Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Minh Long. Thậm chí, đã có thời điểm HLV Chu Đình Nghiêm chỉ còn 10 cầu thủ lành lặn và phải sử dụng những cầu thủ trẻ chưa trưởng thành. Điều này đã khiến CLB thi đấu không tốt trong giai đoạn 1 của mùa giải và phải gấp rút bổ sung những cái tên như Tấn Trường, Tấn Tài và Văn Hậu (trở về từ Heerenveen). Trong giai đoạn 2, đội bóng thủ đô đã thi đấu khởi sắc hơn nhưng lại không thể bảo vệ được ngôi vô địch khi kém đội đầu bảng Viettel 2 điểm. 

Mặc dù phải trải qua một mùa giải có phần thiếu may mắn tại V.League, nhưng tại Cúp Quốc gia, CLB Hà Nội đã bảo vệ thành công ngôi vô địch khi lội ngược dòng trước Viettel trong trận chung kết với các bàn thắng của Quang Hải và Văn Quyết. Đến mùa giải 2021, CLB Hà Nội khởi đầu không tốt với chuỗi trận đáng thất vọng. Sau trận thua SHB Đà Nẵng với tỷ số 2-0, HLV Chu Đình Nghiêm đã quyết định từ chức và khiến ban lãnh đạo đội bóng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm người thay thế. 

2.4 Thời kỳ Hàn Quốc hoá (2021-2022)

Vào tháng 4 năm 2021, CLB Hà Nội đã quyết định bổ nhiệm ông Park Choong-kyun làm HLV trưởng đội bóng. Mặc dù nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng ông lại không có khởi đầu tốt khi để thua tối thiểu trước câu lạc bộ Bình Định ngay trên sân Hàng Đẫy. Bên cạnh đó, ông Park cũng không cho thấy dấu ấn chiến thuật khi đội bóng thủ đô vẫn thể hiện những màn trình diễn bạc nhược và thiếu sức sống. 

Đến 2/5/2021, VFF đã quyết định huỷ bỏ giải đấu do những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lúc này, CLB Hà Nội xếp ở vị trí thứ 7 sau 12 vòng đấu và kém ngôi đầu của Hoàng Anh Gia Lai đến 15 điểm. Trước thềm V.League 2022, ban lãnh đạo CLB đã quyết định sa thải ông Park với lý do không phù hợp với triết lý đội bóng. Người thay thế ông Park sẽ là trợ lý người Hàn Quốc, ông Chun Jae-ho. 

Khi V.League 2022 khởi tranh, đội bóng thủ đô đã khởi đầu khá chật vật khi liên tục để mất điểm trước những đội bóng yếu hơn như TP.HCM hay Nam Định, thậm chí, họ còn bị chảy máu lực lượng khi phải chia tay Nguyễn Quang Hải (ngôi sao sáng nhất của đội bóng thời điểm đó). Tuy nhiên, trong giai đoạn sau của mùa giải, CLB Hà Nội đã thi đấu ổn định hơn và giành chức vô địch V.League sớm 1 vòng đấu. Đây cũng là chức vô địch thứ 6 trong lịch sử CLB. Chưa dừng lại ở đó, tại Cúp Quốc gia, đội bóng thủ đô đã có lần thứ 3 liên tiếp lên ngôi khi giành chiến thắng 2-0 trước Bình Định trong trận chung kết. 

2.5 Thời kỳ chuyển giao (2023-nay)

Sau khi không đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng với ông Chun Jae-ho, đội bóng đã lựa chọn ông Božidar Bandović làm HLV trưởng mùa giải 2023. Ông Bandović đã có khởi đầu thuận lợi với chiến thắng 1-0 trước Hải Phòng tại trận tranh siêu cúp Quốc gia. Khi V.League khởi tranh, ông đã áp dụng các chiến thuật hiện đại như 3-1-4-1 nhưng không đem lại nhiều hiệu quả. Điều này đã khiến đội bóng thủ đô trải qua mùa giải trắng tay khi xếp thứ 2 tại V.League và bị loại khỏi cúp Quốc gia. 

Đến tháng 10/2023, ban lãnh đạo đội bóng đã quyết định sa thải ông Bandović và bổ nhiệm trợ lý Lê Đức Tuấn làm HLV tạm quyền. Tuy nhiên, sau trận thua 3-5 trước Hải Phòng tại vòng 2 V.League 2023/24, ban lãnh đạo đội bóng đã lựa chọn ông Đinh Thế Nam làm HLV tạm quyền thay cho ông Lê Đức Tuấn. Đến tháng 1/2024, CLB Hà Nội đã ký hợp đồng với ông Iwamasa Daiki nhằm cải thiện thứ hạng của đội bóng. Khi kết thúc mùa giải, đội bóng thủ đô xếp ở vị trí thứ 3 chung cuộc. 

3. Phong cách chơi bóng

Kể từ thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, CLB Hà Nội sở hữu lối chơi kiểm soát với các pha chuyền bóng ngắn và ban bật nhỏ. Lối chơi này sau đó được HLV Phan Thanh Hùng tiếp nối và trở nên hoàn thiện nhất dưới thời HLV Chu Đình Nghiêm. Trong giai đoạn này, đội bóng thủ đô luôn chơi tấn công trước mọi đối thủ kể cả trong trường hợp họ bị đánh giá thấp hơn. 

Đến thời HLV Chun Jae-ho, CLB Hà Nội thi đấu có phần toan tính nhiều hơn. Họ không chủ động dồn lên tấn công như trước mà kiểm soát trận đấu một cách thực dụng, đặt kết quả cuối cùng lên hàng đầu. Đội bóng thủ đô thường triển khai các pha phối hợp ở biên, từ đó tạo cơ hội cho tiền đạo hoặc tiền vệ xâm nhập vào vòng cấm để dứt điểm. 

Khi ông Božidar Bandović lên nắm quyền, CLB Hà Nội đã triển khai khối đội hình dâng cao để gây áp lực lên đối phương. Họ có xu hướng bẫy việt vị đối thủ, đồng thời sử dụng một tiền vệ quét ở giữa sân để phòng ngự từ xa và thu hồi bóng. Chiến thuật này sau đó cùng được ông Iwamasa Daiki sử dụng để mang tới sự cân bằng trong cả tấn công lẫn phòng ngự. 

4. Sân vận động

Kể từ khi thành lập vào năm 2006, CLB Hà Nội đã sử dụng sân Hàng Đẫy (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) làm sân nhà. Sân Hàng Đẫy có sức chứa 22.500 khán giả và có vị trí thuộc khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, sân đấu này lại không mang lại cảm giác thi đấu tốt cho các cầu thủ với mặt cỏ gồ ghề, mấp mô. Vào năm 2017, đội bóng được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trao quyền quản lý, sử dụng sân Hàng Đẫy. Ngay sau đó, đội bóng thủ đô đã tiến hành cải tạo mặt cỏ theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực ghế VIP được tu sửa và phủ bạt quảng cáo tại các khu vực nguy hiểm trên khán đài.

Tuy nhiên, những cải tạo này không thể khỏa lấp cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp nghiêm trọng của sân Hàng Đẫy. Các cột bê tông trên khán đài đã để lộ trụ sắt han gỉ. Các khu vực như phòng kỹ thuật, đèn chiếu sáng, nhà vệ sinh đã không còn đảm bảo hay thậm chí không còn khả năng sử dụng. Đến đầu năm 2018, tập đoàn T&T có đề xuất các kế hoạch xây dựng và cải tạo lại sân nhưng không được thông qua do những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật. 

5. Hoạt động chuyển nhượng và đào tạo trẻ

Trong giai đoạn mới thành lập, câu lạc bộ thường đầu tư nhiều vào các cầu thủ đã thành danh như Hồng Sơn hay Như Thuần để tạo danh tiếng và chuyên môn cho đội bóng. Sau khi hệ thống đào tạo trẻ hoàn thiện, đội bóng thường ưu tiên sử dụng các cầu thủ nội từ lò đào tạo và chỉ dành tiền mua các ngoại binh chất lượng, có thể kể đến như Moses Oloya, Geovane Magno,... 

Sau khi Hà Nội F.C của bầu Kiên dừng hoạt động vào năm 2012, CLB Hà Nội đã được kế thừa lò đào tạo của đội bóng này. Đây cũng là nơi đã đào tạo ra lứa cầu thủ làm bệ phóng cho Hà Nội sau này như như Nguyễn Quang Hải hay Đỗ Duy Mạnh.


Nguyễn Quang Hải là một trong những cầu thủ trường thành từ Hà Nội F.C

Với lối chơi ban bật và chuyền bóng ngắn đặc trưng, đội bóng thủ đô thường ưu tiên những cầu thủ có kỹ thuật và sở hữu tư duy chơi bóng thay vì mẫu cầu thủ thiên về sức mạnh thể chất. Hàng năm, họ thường đôn những cầu thủ trẻ có tiềm năng lên đội một để tích lũy kinh nghiệm và gọi những cầu thủ cho mượn nếu họ có phong độ tốt. Điều này giúp CLB Hà Nội duy trì được sự ổn định với các lứa kế cận và các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm thi đấu.

6. Đội bóng kình địch

Sự thù địch giữa những đội bóng luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với người hâm mộ. Sau đây là những đội bóng được xem là kình địch của CLB Hà Nội trong những năm qua.

CLB Hải Phòng

Các trận đấu giữa CLB Hà Nội và Hải Phòng thường diễn ra rất sôi động với các tính huống quyết liệt trên sân giữa các cầu thủ. Chưa dừng lại ở đó, ở trên khán đài còn xuất hiện một cuộc chiến giữa các cổ động viên khi pháo sáng được coi là “đặc sản” mỗi khi hai đội bóng này đối đầu. Một số thông tin cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự thù địch này là bởi các cổ động viên Hải Phòng thường xuyên phải mua vé với giá cao và bị lực lượng an ninh làm khó khi đến làm khách tại sân Hàng Đẫy. 

CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL)

Những cuộc đối đầu giữa HAGL và CLB Hà Nội luôn được xem là trận “siêu kinh điển” của bóng đá Việt Nam. Đây là hai đội bóng có lực lượng cổ động viên đông đảo nhất V.League và luôn tạo ra bầu không khí cuồng nhiệt trên khán đài. Các trận đấu giữa hai đội bóng này đặc biệt thu hút sự chú ý kể từ thời điểm đội tuyển Việt Nam giành ngôi á quân tại U23 châu Á, với nòng cốt là những cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội và HAGL. 

Chưa dừng lại ở đó, cuộc đối đầu giữa hai đội bóng này còn gây chú ý bởi triết lý về cách phát triển, quản lý bóng đá của hai ông bầu Đoàn Nguyên Đức và Đỗ Quang Hiển. Trước giới truyền thông, ông Đức từng nhiều lần tỏ ra không phục cách làm bóng đá của ông Hiển và tạo ra nhiều tranh cãi với hình tượng “5 thằng gầy đánh 1 thằng mập” nhằm ám chỉ sự thâu tóm giải đấu của bầu Hiển.

CLB Nam Định

Sự thù hằn giữa Nam Định và Hà Nội được bắt đầu kể từ V.League 2018. Lúc này, Nam Định đang phải cạnh tranh gắt gao với XSKT Cần Thơ cho một suất trụ hạng. Đỉnh điểm được đẩy lên khi có thông tin cho rằng bầu Hiển (ông chủ CLB Hà Nội) treo thưởng 3 tỷ đồng nếu Cần Thơ trụ hạng thành công. Điều này đã khiến Nam Định và các cổ động viên của họ tức giận và hình thành nên mối thâm thù khó hoà giải. Tại vòng 22 V.League 2019, các cổ động viên Nam Định thậm chí còn bắn pháo sáng về phía cổ động viên Hà Nội, khiến một phụ nữ bị bỏng nặng và phải tiến hành phẫu thuật. 

7. Trang phục và logo đội bóng

Trang phục truyền thống của CLB Hà Nội có màu tím là chủ đạo và thường được xen kẽ thêm một vài chi tiết màu vàng. Trên áo đấu của mỗi cầu thủ sẽ được in tên nhà tài trợ cho đội bóng và logo của câu lạc bộ. 


Trang phục truyền thống của CLB Hà Nội lấy màu tím làm chủ đạo

Kể từ khi thành lập, đội bóng thủ đô thường thay đổi logo sao cho phù hợp với tên gọi hoặc theo thành tích mà câu lạc bộ vừa đạt được. Dưới đây là những logo mà câu lạc bộ đã sử dụng theo từng giai đoạn.


Giai đoạn 2006-2009 với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá T&T Hà Nội


Giai đoạn 2010-2015 với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T


Giai đoạn 2016-2017 với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T

Đến năm 2018, đội bóng tiếp tục thay đổi logo nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi là Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Kể từ thời điểm này, mỗi chức vô địch V.League 1 của đội bóng sẽ được kỷ niệm bằng cách thêm 1 ngôi sao vào logo đội bóng. Dưới đây là logo của câu lạc bộ kể từ năm 2018 trở đi.


Logo của CLB Hà Nội từ năm 2018

8. Thành tích thi đấu

Kể từ khi thành lập và phát triển, CLB Hà Nội đã dành được nhiều thành tích ở các giải đấu quốc nội và quốc tế. Hiện tại, đội bóng thủ đô đang là một trong những đội bóng thành công nhất trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Dưới đây là những thành tựu mà đội bóng này đã giành được.

Danh hiệu Quốc gia

V.League 1

  • Vô địch (6): 2010, 2013, 2016, 2018, 2019, 2022

  • Á quân (6): 2011, 2012, 2014, 2015, 2020, 2023

  • Hạng ba (2): 2017, 2023/24

Cúp Quốc gia

  • Vô địch (3): 2019, 2020, 2022

  • Á quân (4): 2012, 2015, 2016, 2023/24

  • Hạng ba (1): 2018

Siêu cúp bóng đá Việt Nam

  • Vô địch (5): 2010, 2018, 2019, 2020, 2022

  • Á quân (3): 2013, 2015, 2016

V.League 2

  • Á quân (1): 2008

Giải hạng Nhì

  • Á quân (1): 2007

Giải hạng Ba

  • Vô địch (1): 2006

Thành tích quốc tế

Cúp AFC

  • Bán kết / Chung kết Liên khu vực (1): 2019

  • Tứ kết (1): 2014

Danh hiệu Nhà nước trao tặng

  • Huân chương Lao động hạng Ba (2019)

Danh hiệu cấp độ trẻ

Vô địch U21 Quốc gia

  • Vô địch (6): 2013, 2015, 2016, 2018, 2019, 2022

  • Á quân (1): 2014

Vô địch U19 Quốc gia

  • Vô địch (7): 2011, 2014, 2016, 2017, 2019, 2022, 2024

  • Á quân (2): 2015, 2018

Bình luận