Tham gia Na99 Top App

Liên hệ QC : [email protected]

Tổng quan về câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng

Ngày đăng: 06/08/2024

Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng (HPFC) là một đội bóng chuyên nghiệp đang thi đấu tại Giải Vô địch Quốc gia Việt Nam (V.League 1). Câu lạc bộ có trụ sở tại thành phố Hải Phòng và có biệt danh “đội bóng đất Cảng”. Họ là một trong những câu lạc bộ giàu truyền thống và có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam.


CLB Hải Phòng

1. Lịch sử ra đời

Trong những năm đầu thế kỷ 20, Hải Phòng là địa phương đầu tiên thành lập các đội bóng đá, có thể kể đến như Olympique Hải Phòng, Mũi Tên hay Voi Vàng Miền Biển. Tuy nhiên, các đội bóng này đều dừng hoạt động kể từ sau năm 1945. Đến năm 1952, tiền thân của Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng hiện nay là Công an Hải Phòng được thành lập. Đây là đội bóng duy nhất của thành phố còn hoạt động sau thời kỳ bao cấp.

2. Lịch sử hình thành và phát triển

Trong giai đoạn các giải đấu thuộc cấp độ quốc gia của Việt Nam bắt đầu được hình thành, đội bóng đá Công An Hải Phòng luôn là một thế lực và là ứng cử viên hàng đầu ở mọi giải đấu.  

2.1. Thời kỳ đầu (giai đoạn 1955-2000)

Khi giải hạng A Quốc gia được tổ chức kể từ năm 1955, Công An Hải Phòng đã cho thấy sự thống trị với 10 chức vô địch vào các năm 1957, 1959, 1960, 1961, 1963, 1966, 1967, 1968, 1970. Bên cạnh đó, họ còn có 1 lần vô địch Cúp Quốc gia vào năm 1995 cùng 3 lần vô địch Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 1988, 1990 và 1995. 

Bắt đầu từ năm 1980, Giải vô địch Quốc gia đã được phân hạng để chọn ra các đội lên thi đấu tại giải A1. Thời điểm này, Công An Hải Phòng do không đủ điều kiện nên phải thi đấu ở giải A2 (giải hạng nhì thời điểm đó). Đến mùa giải năm 1986, họ mới có lần đầu tiên được góp mặt ở giải A1. Đến năm 1990, Công An Hải Phòng nằm trong top những đội bóng được tham dự Giải vô địch các đội mạnh Toàn quốc nhờ thành tích tốt tại Giải A1 năm 1989. Thành tích tốt nhất của đội bóng tại giải đấu này là vị trí á quân vào mùa giải năm 1992 (thua Quảng Nam-Đà Nẵng 2-0 trong trận chung kết). Mặc dù đạt thành tích tốt ở mùa giải này, nhưng Công An Hải Phòng lại xếp áp chót ở mùa giải năm sau (1993/94) và xuống thi đấu tại giải A1.

Sau khi xuống hạng năm 1995, đội bóng thành phố Cảng đã nhanh chóng giành quyền thăng hạng nhờ chức vô địch Giải A1 năm 1996. Trong mùa đầu tiên quay trở lại hạng đấu cao nhất Việt Nam (1997), Công An Hải Phòng thi đấu khá tốt và giành vị trí thứ 5 chung cuộc và chỉ kém top 4 một điểm. Đến mùa giải năm 1999/2000, Công An Hà Nội giành quyền tham dự Giải vô địch Quốc gia chuyên nghiệp (V.League) nhờ việc nằm trong top 10 top đội Hạng Nhất mùa giải năm đó. 

2.2. Giai đoạn bắt đầu lên chuyên nghiệp (2000-2013)

Trong mùa giải V.League đầu tiên (2000/01), đội bóng thành phố Cảng xếp thứ 6 và kém top 4 hai điểm. Sang đến mùa giải năm sau (2001/02), Công An Hải Phòng xếp cuối bảng và phải xuống giải Hạng Nhất vào năm sau. Tại thời điểm này, đội bóng được chuyển quyền sở hữu về Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Thành phố Hải Phòng. Trong khoảng thời gian đầu, ban lãnh đạo đội bóng cùng sở TDTT lựa chọn mô hình hợp tác cùng doanh nghiệp, khiến tên câu lạc bộ trong giai đoạn này liên tục thay đổi theo nhà tài trợ. Dưới đây là tên đội bóng trong giai đoạn từ 2002-2007:

  • Thép Việt - Úc Hải Phòng (2002-2004)
  • Mitsustar Hải Phòng (2005)
  • Mitsustar Haier Hải Phòng (2006)
  • Vạn Hoa Hải Phòng (2007)

Trong giai đoạn này, đội bóng thi đấu không thực sự ổn định khi liên tục thăng hạng và xuống hạng. Trong mùa 2003, câu lạc bộ đã giành chức vô địch giải Hạng Nhất và giành quyền lên chơi tại V.League nhưng sau đó lại phải xuống hạng vào cuối mùa giải 2006. Trong hai mùa bóng 2004 và 2005, đội cũng chơi không ấn tượng khi chỉ xếp ở vị trí thứ 10 và thứ 7 trên bảng xếp hạng V.League 1.

Đến ngày 16/10/2007, sau khi giành quyền thăng hạng với vị trí á quân ở giải Hạng Nhất 2007, sở TDTT đã chuyển quyền quản lý câu lạc bộ cho Công ty Xi măng Hải Phòng. Lúc này, đội bóng được đổi tên từ Vạn Hoa Hải Phòng sang Xi măng Hải Phòng. Ngay trong mùa giải đầu tiên, đội bóng đã cho thấy sự khởi sắc khi xếp thứ 3 tại V.League 1 (2008), kém 3 điểm so với đội vô địch Becamex Bình Dương.

Sang đến mùa giải tiếp theo, mặc dù chỉ xếp thứ 7 ở cuối mùa giải nhưng đội bóng lại gây tiếng vang lớn khi chiêu mộ thành công nhà vô địch World Cup 2002, tiền đạo Denílson trong giai đoạn lượt về V.League 2009. Bên cạnh đó, hội cổ động viên của đội bóng còn được Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng công nhận chính thức. Đây cũng là hội cổ động viên đầu tiên tại Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu và tài sản riêng.

Đến V.League 2010, đội bóng để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ khi xếp vị trí thứ 2 chung cuộc, kém 1 điểm so với đội đầu bảng Hà Nội T&T. Sang đến mùa giải tiếp theo, với sự hợp tác cùng Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam, đội bóng được đổi tên thành Vicem Hải Phòng. Tuy nhiên, do chấn thương của nhiều trụ cột, đội bóng đã chơi thiếu hiệu quả và chỉ xếp thứ 12 tại V.League 2011, bằng điểm đội xuống hạng nhưng xếp trên nhờ chỉ số phụ. 

Sang đến mùa giải tiếp theo (V.League 2012), phong độ của của đội bóng vẫn không được cải thiện khi xếp cuối bảng với 14 điểm sau 26 vòng đấu. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính dồi dào, câu lạc bộ đã không phải xuống hạng do mua lại suất tham dự V.League 1 của Khatoco Khánh Hoà (phải giải thể do vấn đề tài chính). 

2.3. Giai đoạn từ 2014-2021

Trước thềm V.League 2014, câu lạc bộ được chuyển quyền quản lý về cho sở TDTT thành phố. Từ đây, đội bóng chính thức mang tên Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng như hiện tại. Mặc dù thứ hạng trong mùa giải này chưa được cải thiện nhiều (xếp thứ 10), nhưng đội bóng thành phố Cảng đã giành danh hiệu Cúp Quốc gia 2014 với chiến thắng 2-0 trước Becamex Bình Dương trong trận chung kết. 

Sang đến V.League 2015, CLB Hải Phòng đã cho thấy sự khởi sắc khi xếp thứ 6 chung cuộc và kém top 4 một điểm. Tại V.League 2016, đội bóng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc khi giành ngôi á quân và chỉ xếp sau Hà Nội T&T do chỉ số phụ. Sau những mùa giải đạt thành tích tốt tại V.League, câu lạc bộ lại cho thấy sự đi xuống trong những mùa giải sau đó. Thậm chí, trong 2 mùa giải 2019 và 2020, đội còn phải cạnh tranh xuất trụ hạng với phong độ kém cỏi.


CLB Hải Phòng có mùa giải V.League 2016 đầy ấn tượng

2.4. Giai đoạn từ 2022-nay

Trước thềm V.League 2022, CLB Hải Phòng nhận được nhiều sự chú ý khi đạt được thỏa thuận với HLV Chu Đình Nghiêm. Ông là nhân tố làm thành công của CLB Hà Nội với 3 chức vô địch V.League trong 4 mùa giải (2016-2019). Ngay trong mùa giải đầu tiên dưới thời ông Chu Đình Nghiêm, CLB Hải Phòng đã thể hiện một bộ mặt ấn tượng với vị trí á quân V.League 2022 và vào đến chung kết Cúp Quốc gia. 

Trong những mùa giải tiếp theo (2023, 2023/24), mặc dù phải chia tay với nhiều trụ cột, nhưng CLB Hải Phòng vẫn duy trì được sự ổn định cần thiết và là đối thủ khó chịu với nhiều đội bóng. Sự xuất hiện của HLV Chu Đình Nghiêm đã giúp đội bóng thành phố Cảng đi đúng hướng và hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trong những mùa giải tiếp theo. 

3. Phong cách chơi bóng

Kể từ khi Giải vô địch Quốc gia chuyển sang thể thức chuyên nghiệp, CLB Hải Phòng thường triển khai lối chơi khá đơn giản. Họ thường phất những đường bóng dài và phó mặc cho các ngoại binh phía trên xử lý. Chính lối chơi đơn điệu này đã khiến đội bóng dễ bị bắt bài, từ đó không đạt được thành tích cao trong hầu hết các mùa giải. 

Khi bổ nhiệm ông Chu Đình Nghiêm làm HLV trưởng, lối chơi của CLB Hải Phòng đã có sự thay đổi rõ rệt. Đội bóng đất Cảng giờ đây thường kiểm soát bóng ở 1/3 sân đối phương và nhanh chóng pressing đối thủ khi mất bóng. Sự cách mạng về lối chơi đã giúp CLB Hải Phòng duy trì được sự ổn định trong những mùa giải vừa qua. 

4. Sân vận động

CLB Hải Phòng sử dụng sân Lạch Tray làm sân nhà kể từ thời điểm đội bóng còn mang tên Công An Hải Phòng. Sân vận động này có địa chỉ tại quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Với sức chứa lên đến 30,000 người, Lạch Tray đang là một trong những sân vận động lớn nhất cả nước (sau SVĐ Cần Thơ và SVĐ Quốc gia Mỹ Đình). 


SVĐ Lạch Tray 

Sân Lạch Tray được xây dựng từ năm 1957 và đã trải qua nhiều lần cải tạo. Trong lần gần nhất vào năm 2021, sân bóng này đã được đầu tư 60 tỷ đồng để làm lại mặt cỏ và nâng cấp dàn đèn chiếu sáng, phòng thay đồ và khu vực khán đài. 

Bên cạnh CLB Hải Phòng, Lạch Tray còn từng là sân nhà của nhiều đội bóng tại Hải Phòng đã giải thể như Quân khu 3 hay Hoá chất Sông Cấm. Đây cũng là địa điểm diễn ra trận chung kết môn bóng đá nữ tại SEA Games 22, nơi mà đội tuyển Việt Nam đã đánh bại Myanmar 2-1 để lên ngôi vô địch. Ngoài bóng đá, sân Lạch Tray cũng là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện thể thao và văn hoá của thành phố hay cả nước. 

5. Sự thù địch với CLB Hà Nội

Kể từ thời điểm còn mang tên Công An Hải Phòng, các trận đấu giữa đội chủ sân Lạch Tray và CLB Hà Nội luôn mang tới bầu không khí gay gắt ở cả trên sân lẫn khán đài. Tại V.League, hai đội bóng này từng tạo ra những cuộc đua song mã đầy hấp dẫn ở mùa giải 2010 và 2016 với chiến thắng chung cuộc đầy sát sao cho đội bóng thủ đô. Chính điều này càng khiến cho mối thâm thù giữa hai đội bóng càng được đẩy lên cao trong những năm gần đây. 

Trên khán đài, pháo sáng luôn là “đặc sản” được cổ động viên Hải Phòng sử dụng trong các cuộc đối đầu với CLB Hà Nội. Nguyên nhân của sự việc này đến từ việc tăng giá vé đột ngột của đội Hòa Phát Hà Nội khi tiếp đón Hải Phòng trong năm 2011. Do đó, pháo sáng đã được sử dụng như một hình thức đáp trả của các cổ động viên Hải Phòng, đồng thời rải tiền âm phủ ra khắp khán đài sân Hàng Đẫy như một lời ám chỉ “Tiền không mua được tất cả”. 

Ngoài việc tăng giá vé, nhiều cổ động viên Hải Phòng còn bức xúc về sự liên minh giữa các đội bóng của bầu Hiển. Họ cho rằng đây là nguyên nhân khiến đội bóng đất Cảng không thể lên ngôi vô địch trong các mùa 2010 và 2016. Do đó, các băng rôn phản đối và mỉa mai bầu Hiển thường xuất hiện mỗi khi hai câu lạc bộ đối đầu. 

6. Trang phục và logo đội bóng

Trang phục truyền thống của CLB Hải Phòng có màu đỏ là chủ đạo và thường được đan xen với một vài chi tiết màu trắng. Trong những năm gần đây, đội bóng đất Cảng cũng thường xuyên sử dụng màu vàng hoặc màu trắng làm trang phục khi thi đấu sân khách. 


Trang phục của CLB Hải Phòng có màu đỏ truyền thống

Khi đội bóng chính thức mang tên Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng vào năm 2014, logo với tông màu đỏ tươi đã được sử dụng để thể hiện tinh thần và lối chơi rực lửa, đầy tính công hiến của đội bóng. Đến năm 2022, logo đội bóng lại được thay đổi nhưng vẫn lấy màu đỏ làm chủ đạo. Dưới đây là logo của đội bóng đất cảng qua các thời kỳ.


Logo của CLB Hải Phòng qua các thời kỳ

7. Thành tích của CLB Hải Phòng

Trong thời kỳ đầu của các Giải đấu thuộc cấp độ quốc gia Việt Nam, CLB Hải Phòng đã cho thấy sự thống trị với 10 chức vô địch Giải hạng A Quốc gia. Đây cũng là giai đoạn thành công nhất của đội bóng thành phố Cảng. Dưới đây là thành tích của CLB Hải Phòng kể từ khi thành lập năm 1952.

Giải hạng A Quốc gia - Giải A1 Quốc gia - V.League 1

  • Vô địch (10): 1957, 1959, 1960, 1961, 1963, 1965, 1966, 1967, 1968, 1970
  • Á quân (4): 1992, 2010, 2016, 2022
  • Hạng ba (2): 1991, 2008
  •  

Cúp Quốc gia

  • Vô địch (2): 1995, 2014
  • Á quân (1): 2005
  • Hạng ba (1): 2015
  •  

Siêu cúp Quốc gia

  • Vô địch (1): 2005
  • Á quân (1): 2014, 2022

Giải hạng nhất

  • Vô địch (2): 1995, 2003
  • Á quân (1): 2007

Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 

  • Vô địch (3): 1985, 1990, 1995

Giải bóng đá Công an, Cảnh sát các nước ASEAN

  • Á quân (1): 1998

Giải bóng đá nhi đồng U11 toàn quốc 

  • Vô địch (1): 2000

Giải U15 Quốc gia

  • Á quân (1): 2000

Giải U21 Quốc gia

  • Hạng ba (2): 2000, 2013

Giải bóng đá thành phố Hải Phòng

  • Vô địch (1): 1992

Giải bóng đá giao hữu Bắc Nam

  • Vô địch (1): 1994

BTV Cup

  • Hạng ba (1): 2009

Cup Hoa lư

  • Vô địch (1): 2022
Bình luận